Khảo sát nội nha bằng hình ảnh
X-quang
Chụp X quang là một phần thiết yếu trong chẩn đoán nội nha. Công nghệ hiện đại đang chuyển hướng nhanh chóng sang việc sử dụng hình ảnh kỹ thuật số và các kỹ thuật hình ảnh nâng cao khác (xem Chương 29). Do đó các bác sĩ lâm sàng phải thành thạo trong lĩnh vực chẩn đoán này.
Việc chụp phim X quang kiểm tra nên được đánh giá cùng với các xét nghiệm chẩn đoán khác và khám lâm sàng. Test đánh giá cảm giác răng ban đầu có thể gợi ý cho việc sử dụng loại phim X-quang nào sẽ là tốt nhất. Nếu cần khảo sát một răng sống, phim cánh cắn sẽ phù hợp để phát hiện sâu răng hoặc các dấu chứng của tủy viêm. Nếu đang nghi ngờ một bệnh lý vùng quanh chóp nhờ các phương pháp khảo sát trước đó, thì một phim cận chóp nên được chỉ định để bổ sung cho chẩn đoán. Nên sử dụng dụng cụ kẹp phim cho tất cả các phim để đảm bảo nguyên tắc song song và các tiêu chuẩn khác của một phim X quang. Việc so sánh giữa các phim là cần thiết trong các lần tái khám tiếp theo của bệnh nhân, vì vậy sẽ thuận lợi hơn nếu tạo một dấu cắn bằng vật liệu ghi dấu cá nhân, khi đó các phim được chụp tiếp sau sẽ có góc độ tương tự nhất có thể so với phim trước. Phim tia X ngoài miệng như phim cắn hay phim toàn cảnh (PAs: Panoramic Amagings) thì hữu ích trong một số trường hợp cụ thể.
X quang có thể không trực tiếp phát hiện viêm tủy, nhưng sâu răng hoặc tình trạng miếng trám xấu được nhìn thấy trên X quang có thể gợi ý viêm tủy. Viêm nha chu vùng chóp răng có triệu chứng chính gần giống với một tình trạng viêm tuỷ kéo dài. Ngoài ra, sự xuất hiện một vùng thấu quang quanh chóp có nguồn gốc nội nha có thể là một dấu hiệu tốt rằng hoại tử hay một vùng hoại tử chỉ xảy ra trong tuỷ răng mà thôi.
X quang là một trong những phương tiện tốt nhất để xác định sự tồn tại của một tình trạng viêm quanh chóp mãn. Đặc trưng bởi một vùng thấu quang rõ, hay còn gọi là vùng tối, nằm ở ngay vùng chóp răng hoặc xung quanh đó.
Công nghệ trong lĩnh vực X quang hiện nay đã được cải tiến rất nhiều, bao gồm chụp phim thường quy tốc độ cao (F-Speed/ Insight), Xeroradiography (Chụp X quang tĩnh điện), Digital Radiography (chụp X quang kỹ thuật số), Subtraction Radiography (kỹ thuật chụp phim cách hồi được sử dụng để xác định những thay đổi xảy ra giữa hai hình ảnh chụp tại các thời điểm khác nhau), phim Phosphor, siêu âm, và gần đây hơn là Cone-Beam CTs. Nhưng sự cải tiến về nguyên lý hoạt động của những kỹ thuật này cho mục đích chẩn đoán các bệnh lý quanh chóp/ quanh rễ thần kinh gốc răng vẫn là vấn đề còn đang tranh cãi. So sánh giữa kỹ thuật Xeroradiography và phim X quang tốc độ cao E-Speed, các nhà nghiên cứu báo cáo không có sự khác biệt trong việc phát hiện bệnh lý xương hàm vùng quanh chóp.
Một nghiên cứu khác cho thấy các phim số hoá cách hồi (DSR) có giá trị hơn đối với việc xác định những thay đổi trong vỏ xương đặc và xương xốp so với các phim thông thường. Trong một mô hình nghiên cứu invitro, các nhà nghiên cứu thấy rằng DSR có khả năng phân biệt giữa tình trạng khoẻ mạnh và bệnh lý. Và một số khác lại thấy sự tiến triển của tình trạng viêm nha chu mãn có thể được dự đoán trước bởi phương pháp chụp cách hồi. DSR cũng hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả điều trị sau điều trị nội nha. Một cuộc khảo sát khác đã kết luận rằng phim X quang thông thường có vẻ tốt hơn trong việc phát hiện các tổn thương xương vùng quanh chóp so với phim X quang kỹ thuật số trực tiếp, nghĩa là xử lý hình ảnh không làm cải thiện hiệu quả chẩn đoán.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng các tổn thương vỏ xương đặc được chẩn đoán với độ chính xác cao hơn các tổn thương của bè xương xốp, cho dù là dùng kỹ thuật chụp phim thông thường hay là phim kỹ thuật số.
Một nghiên cứu khác chứng minh rằng không có sự khác biệt đáng kể trong tính chính xác của chẩn đoán các tổn thương quanh chóp giữa hệ thống Schick CDR và hệ thống Trophy RVGui DDR. Kết quả thu được khi sử dụng phim kỹ thuật số phù hợp với những phát hiện của Seltzer khi dùng phim X quang thông thường: các thương tổn giả tạo không thể quan sát được bằng phim X quang trừ khi các tổn thương xương xốp lan rộng đến biên giới giữa xương đặc và xương xốp.
Siêu âm
Các nhà nghiên cứu đã cho thấy những tiềm năng của siêu âm hình ảnh thời gian thực trong nội nha và ứng dụng trong phân biệt giữa u hạt và nang. Tiềm năng đầy hứa hẹn này vẫn đang tiếp tục được điều tra nghiên cứu.
Cone-Beam CT và các kỹ thuật quét ảnh khác
CBCT , siêu âm, và các công nghệ mới khác có thể là những công cụ rất có tiềm năng nhằm giúp chẩn đoán chính xác hơn về các bệnh lý vùng quanh chóp gốc răng. Công nghệ này sẽ được tiếp cận rõ hơn thông qua bài viết riêng.