Phục hình dưới lợi răng hàm lớn hàm dưới

HÌnh 1. Phim chụp trước khi điều trị

Đây là một tình huống lâm sàng thường gặp với nhóm răng hàm lớn hàm dưới, đặc biệt là phía xa của răng số 7 thường bị sâu dưới lợi do răng số 8 mọc lệch. Sâu lớn phía xa thường gây cản trở cho quá trình điều trị tủy và thực hiện phục hồi lại thân răng. Các bác sĩ thường băn khoăn giữa 2 lựa chọn nhổ hay không nhổ vì để phục hình răng này thường khá khó khăn. Rắc rối thường gặp đó là khả năng cầm máu mô lợi và lựa chọn phục hình gì thì hợp lý nhất. Phục hình dưới lợi luôn là bài toán khó đối với mỗi nha sĩ khi phải đối mặt, bài viết nhỏ này hy vọng sẽ giúp được các nha sĩ trẻ phần nào trong chỉ định giữ răng.

Chú ý bệnh nhân này mới chỉ 13 tuổi và không có ý định chỉnh nha. Việc nhổ một răng quan trọng như răng 36 là không nên nếu còn có thể cố gắng giữ được.

May thay, phần xương ổ bên dưới luôn có xu hướng tiêu thấp để tự tái lập lại khoảng sinh học khi đáy lỗ sâu dần lấn chiếm khoảng đó. Đo đạc thực tế trên lâm sàng và tham chiếu trên phim X-quang tại chỗ, có thể xác định khoảng cách từ đáy lỗ sâu tới mào xương ổ phía xa là khoảng 2mm. Tương đối vừa vặn với khoảng sinh học rất lý thuyết 2,04mm mà ai cũng biết. Đáy sâu dưới lợi sau khi làm sạch là 1mm. Kết luận: răng này hoàn toàn có thể phục hình giữ được.

Hình 2. Sau khi kết thúc điều trị tủy

Tiến hành phục hình gián tiếp phần lỗ mở tủy và thành phía xa bằng chốt đúc cùi giả kim loại. Lợi được cắt tạo hình từ buổi đầu tiên điều trị tủy và được giữ đúng vị trí bằng cách hàn tạm Caviton nhồi chặt xuống dưới lợi giữa các buổi điều trị.

Hình 3. Lấy dấu làm cùi giả kim loại

Ngay trước khi lấy dấu làm cùi giả, lấy bớt phần côn gutta dưới miệng mỗi ống tủy 1mm. Không cần phải lấy nhiều hơn để tạo chốt lưu do mô răng trên bề mặt còn 3 thành, đủ để lưu giữ phần cùi giả. Trước khi lấy dấu, sử dụng kĩ thuật đặt 2 chỉ, sợi chỉ ở dưới đóng vai trò cầm máu và khoảng rãnh lợi được bộc lộ khi sợi chỉ bên trên được lấy ra trong giai đoạn lấy dấu và lấy dấu 1 thì.

Để không phải mài đường hoàn tất bên trên khối kim loại cứng, cần yêu cầu kĩ thuật viên labo đặt 1 đường hoàn tất trên cùi giả ngang lợi và mài mô răng thật nối tiếp với đường hoàn tất định sẵn đó. Phần cùi giả dưới lợi, được mài nhẵn hoàn toàn, tránh bị viêm lợi sau này.

Hình 4. Kiểm tra độ khít sát của cùi giả. Phim cánh cắn sẽ cho góc nhìn chính xác hơn

Kiểm tra cùi giả trước và sau khi gắn bằng cách chụp phim cánh cắn. Phim cánh cắn với khả năng tách mặt bên của 2 răng cạnh nhau và với góc độ song song với thành đáy dưới lợi cần khảo sát sẽ cho chúng ta câu trả lời cùi giả đã đảm bảo khít sát với mô răng hay chưa. Phim cũng giúp kiểm tra chất gắn dư đang “lưu lạc” ở vị trí nào dưới lợi sau khi gắn, giúp kiểm soát chất gắn dư hiệu quả.

Hình 5. Mẫu và dấu

HÌnh 6. Phục hình sau khi gắn

Thay vì việc mài đường hoàn tất thấp dưới lợi cho ngang bằng với đáy lỗ sâu, nên sử dụng chính cùi giả để nâng đường hoàn tất lên ngang lợi, chỉ mất công kiểm soát 1 phần nhỏ lợi phía xa, răng vẫn được phục hồi ăn nhai tốt, bệnh nhân cũng dễ dàng vệ sinh. Chìa khóa ở đây đó là khoảng sinh học dường như vẫn ở trạng thái lý tưởng không bị xâm phạm. Từ một phục hình dưới lợi được chuyển thành ngang lợi, mọi việc trở nên dễ kiểm soát hơn. Nếu bạn gặp tình huống tương tự, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *